Vừa qua, ngày 13/03/2019 TAND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Đồng Chủ trì và điều hành Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phó Chánh án TAND tỉnh; đồng chí đồng Ngô Văn Hối, Phó viện trưởng VKSND tỉnh; đồng chí Mai Văn Kỷ, Chánh văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh.
Đến dự có đồng chí Bùi Đức Xuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư BCS Đảng, Chánh án TAND tỉnh; đồng chí Lý Hồng Sinh- Phó Giám đốc Công an Tây Ninh cùng hơn 180 đồng chí Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có tham gia giải quyết án hình sự của tỉnh Tây Ninh.
Toàn Hội nghị
Hội nghị được nghe báo cáo tóm tắt rút kinh nghiệm án bị hủy năm 2017-2018. Trong năm 2017-2018, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy theo trình tự phúc thẩm hủy án tổng cộng 06 vụ, chiếm tỷ lệ 1,14%; Tỉnh hủy huyện 13,5 vụ, chiếm tỷ lệ 0,68%; Các nguyên nhân dẫn đến án bị hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; thu thập các tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ; Xác định tư cách tham gia tố tụng không đúng; nhận thức không đúng, còn nhầm lẫn trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự giữa “tự thú” và “đầu thú”; Áp dụng tình tiết định khung hình phạt chưa chính xác; viện dẫn chưa đầy đủ các điều luật của Bộ luật Hình sự; Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa tiến hành đối chất để làm rõ xem hành vi, mối quan hệ, vận tốc xe và ý chí chủ quan của các bị cáo;
Về vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, là tại cấp phúc thẩm, số tiền yêu cầu bồi thường nhiều hơn cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử; Tòa án tuyên buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại một khoản tiền nhất định nhưng lại không áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Ngược lại, đối với hình phạt bổ sung là phạt tiền thì cấp sơ thẩm lại áp dụng việc tính lãi suất chậm trả là không đúng, vì đây không phải là nghĩa vụ dân sự trong phần trách nhiệm dân sự; về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bị hại nhưng không tuyên rõ về trách nhiệm từng phần đối với từng bị cáo là không phù hợp với quy định tại Điều 587 của Bộ luật Dân sự, gây khó khăn trong giai đoạn thi hành án sau này.
Cũng tại Hội nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã đưa ra các tham luận, nêu ra những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ và các giải pháp để bàn bạc thống nhất phương hướng giải quyết trong thời gian tới là đối với các vụ án đặc biệt nghiệm trọng thuộc thẩm quyền, phải có báo cáo phân tích, đánh giá chứng cứ và quan điểm giải quyết báo cáo thường trực Tỉnh ủy, ủy ban, sau đó các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự họp bàn, tranh luận đưa ra phương hướng giải quyết.
Hội nghị rút kinh nghiệm án hình sự lần này, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án và hạn chế đến mức thấp nhất án hình sự bị hủy thời gian tới, không để ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động tố tụng hình sự của Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán. Qua đó tìm ra những giải pháp, bài học kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố và xét xử án hình sự, để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Kết thúc Hội nghị, các bên cũng đã thống nhất mỗi năm, các cơ quan liên ngành tố tụng sẽ luân phiên tổ chức rút kinh nghiệm mỗi năm một lần.
Coc